Âm thầm thay thế Nga đổ tiền vào Cuba, Trung Quốc đang làm những gì?

Cách thủ đô Havana nhiều giờ di chuyển qua những con đường gồ ghề vào đất liền, thị trấn nhỏ Jatibonico ở Cuba hiện lên như hình ảnh thu nhỏ của cuộc sống cuối thế kỷ 19, với những con phố đầy xe ngựa kéo và tình trạng mất điện gần như suốt ngày đêm.

Nhà máy đường đổ nát tại đây — từng là nhà máy lớn nhất cả nước — hiện đã dừng hoạt động do thiếu linh kiện, điện và nhiên liệu.

Hai năm trước, một công ty Nga tên Progress Agro tuyên bố sẽ nhập khẩu máy móc, phân bón và chuyển giao công nghệ để khôi phục nhà máy từng sử dụng tới 2.000 lao động. “Bao giờ người Nga đến?”, Carlos Tirado Pino, 58 tuổi, công nhân bảo trì nhà máy, nói. “Đó là điều mọi người vẫn hỏi nhau”.

Trong khi đó, bên ngoài thị trấn và khuất tầm mắt, ba xe ủi đất đang dọn cánh đồng mía bị bỏ hoang để chuẩn bị cho một công viên năng lượng mặt trời do Trung Quốc tài trợ, với công suất 21 MW. Đây là một trong 55 công viên năng lượng mặt trời quy mô tương tự do Trung Quốc đầu tư ở Cuba.

Trung Quốc xuất hiện

Dự án này khẳng định vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc với Cuba trong bối cảnh đất nước đang trải qua một cuộc khủng hoảng điện chưa từng có. Lưới điện quốc gia đã bốn lần sập chỉ trong năm qua, khiến hàng triệu người chìm trong bóng tối, trường học và doanh nghiệp buộc phải đóng cửa.

Âm thầm thay thế Nga đổ tiền vào Cuba, Trung Quốc đang làm những gì? - Ảnh 1.

Một biểu ngữ thông báo về việc xây dựng một trang trại năng lượng mặt trời quang điện ở Cabaiguan, Cuba ngày 21 tháng 5 năm 2025. Ảnh: Reuters

Ngày 21/2, Cuba khánh thành công viên năng lượng mặt trời ở Cotorro, ngoại ô Havana, với sự tham dự của Đại sứ Trung Quốc Hua Xin và Chủ tịch Cuba Miguel Diaz-Canel. Theo công ty điều hành lưới điện UNE, ít nhất tám công viên nữa đã đi vào hoạt động kể từ đó, sản xuất gần 400 MW điện mặt trời, tương đương một phần ba mức thiếu hụt điện vào buổi trưa.

Chính phủ Cuba ước tính các dự án mới do Trung Quốc tài trợ sẽ nâng tổng công suất lên hơn 1.100 MW vào cuối năm, gần bù đắp lượng thiếu hụt điện ban ngày và giúp tiết kiệm nhiên liệu để sử dụng vào ban đêm.

Tại lễ khánh thành tháng 2, các quan chức tuyên bố Trung Quốc sẽ tham gia hiện đại hóa toàn bộ lưới điện Cuba, với 55 công viên năng lượng mặt trời dự kiến hoàn thành vào năm 2025 và 37 công viên khác vào năm 2028, tổng công suất 2.000 MW — đủ để đáp ứng gần hai phần ba nhu cầu điện hiện tại.

Dữ liệu vận tải và lời kể của hai doanh nhân nước ngoài cho thấy cảng Mariel, trung tâm hậu cần lớn nhất Cuba ở phía tây Havana, chứng kiến lưu lượng hàng từ Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh từ tháng 8/2024.

Các tàu từ Thượng Hải, Thiên Tân và các cảng lớn khác của Trung Quốc chở pin mặt trời, thép, thiết bị và phụ tùng — cùng với nhiên liệu cho vận chuyển nội địa — đã cập cảng. Những chuyến hàng này hiện diện rõ rệt trên vùng nông thôn Cuba, khi các xe đầu kéo mang biển hiệu Trung Quốc chạy rầm rập trên các con đường lởm chởm tới những địa điểm xa xôi như Jatibonico.

Nga vắng bóng

Hai năm trước, khi Cuba vẫn chìm trong khó khăn vì đại dịch COVID-19 và lệnh trừng phạt của Mỹ, Nga cũng tỏ ra sẵn sàng hỗ trợ.

Tháng 5/2023, Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko đến Cuba dự lễ khánh thành nhà máy thép lớn nhất đảo quốc, được tái thiết nhờ khoản hỗ trợ 100 triệu USD từ Nga. Chernyshenko gọi đây là “hình mẫu hợp tác Nga - Cuba”.

Giám đốc nhà máy, Reinier Guillén, kỳ vọng sản lượng thép thanh sẽ tăng lên 62.000 tấn trong năm 2024. Tuy nhiên, kỳ vọng đó không trở thành hiện thực. Theo báo cáo tháng 4 của cơ quan thống kê ONEI, Cuba chỉ sản xuất được 4.200 tấn thép thanh trong năm.

Vào một buổi sáng gần đây, nhà máy im lìm, ống khói không hoạt động, không có dấu hiệu sản xuất. Cư dân Esperanza Perez cho biết nhà máy đã ngừng hoạt động nhiều tháng.

Theo một tài liệu tóm tắt các thỏa thuận mà Reuters tiếp cận được, một ngày sau lễ khánh thành nhà máy thép, ông Chernyshenko và ông Diaz-Canel đã ký ít nhất tám thỏa thuận giữa các cơ quan nhà nước Cuba và doanh nghiệp Nga, cả công lẫn tư nhân.

Các thỏa thuận bao gồm đảm bảo nguồn cung lúa mì để làm bánh mì, mở “Rusmarket” tại Havana, khôi phục kiến trúc lịch sử khu phố cổ, hợp tác về trí tuệ nhân tạo, và thậm chí là kế hoạch tái phát triển cộng đồng bãi biển Tarara – nơi có bãi cát trắng và hàng dừa xanh, vốn bị hạn chế đầu tư nước ngoài từ năm 1959.

Tuy nhiên, hầu hết dự án đều bị đình trệ. Kế hoạch mở Rusmarket – dự kiến là trung tâm phân phối hàng hóa Nga – đã bị trì hoãn hai năm. Cửa hàng Yumuri gần đó, nơi các nhà đầu tư định mở siêu thị bán phụ tùng ô tô Nga, cá hồi đóng hộp và đồ chơi trẻ em, hiện trông hoang vắng.

Thỏa thuận khôi phục tòa nhà Santo Angel thế kỷ 19 tại quảng trường Plaza Vieja, một biểu tượng kiến trúc Havana, cũng không có tiến triển.

Tháng 5 vừa qua, hai năm sau loạt công bố đầu tiên, Phó Thủ tướng Chernyshenko tuyên bố sẽ trợ cấp lãi suất cho các doanh nghiệp muốn đầu tư tới 1 tỷ USD vào Cuba, gọi đây là “đối tác đáng tin cậy”.

“Còn rất nhiều việc phải làm. Chúng tôi sẽ tiến từng bước nhỏ,” ông nói với báo chí tại Moscow, rồi thêm: “Không thể có kết quả ngay lập tức như bằng phép màu”.

Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn

(Theo Reuters)